"Đối phương giữ hy vọng đến phút cuối rằng họ có thể buộc Ukraine ký thỏa thuận trung lập. Đây là điều quan trọng nhất với Nga. Họ sẵn sàng kết thúc chiến sự nếu chúng tôi đồng ý giữ trạng thái trung lập như Phần Lan và cam kết không gia nhập NATO",ứcUkraineMoskvatừngđềxuấtKievđổitrunglậplấyhòabìthe thao David Arakhamia, lãnh đạo đảng Đầy tớ của Nhân dân cầm quyền Ukraine, tiết lộ trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm nay.
Nghị sĩ này nhấn mạnh Moskva coi cam kết "Ukraine không gia nhập NATO" là nội dung quan trọng nhất trong mọi cuộc đàm phán với Kiev.
Arakhamia dẫn đầu phái đoàn Ukraine trong các cuộc đàm phán với Nga tại Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi chiến sự nổ ra đầu năm 2022. Ông được xem là đồng minh thân thiết với Tổng thống Volodymyr Zelensky và là nghị sĩ quan trọng tại quốc hội Ukraine.
Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 6 lần đầu công bố dự thảo thỏa thuận hòa bình mang tên "Hiệp ước về Quy chế Trung lập vĩnh viễn và Bảo đảm an ninh của Ukraine" được hai bên xây dựng trong các cuộc đàm phán.
Dự thảo có 18 điều khoản, đề cập tới tình trạng trung lập và quy mô lực lượng vũ trang Ukraine, cũng như các bảo đảm an ninh cho nước này khi xung đột kết thúc. Theo đó, Ukraine cam kết đưa trạng thái "trung lập vĩnh viễn" vào hiến pháp, trong khi Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus sẽ là những quốc gia bảo đảm an ninh cho nước này.
"Trưởng đoàn Ukraine còn ký nháy vào dự thảo, chữ ký của ông ấy ở đây. Sau khi chúng tôi rút quân khỏi khu vực Kiev như cam kết, chính quyền Ukraine đã ném dự thảo vào sọt rác. Họ từ bỏ tất cả", Tổng thống Nga cho hay.
Nghị sĩ Arakhamia phủ nhận chi tiết trên, nhấn mạnh phái đoàn đàm phán không có thẩm quyền ký bất kỳ văn kiện nào.
Cựu trưởng đoàn đàm phán Ukraine lý giải Kiev từ chối hòa ước vì không tin tưởng Moskva. Vào thời điểm đàm phán, giới lãnh đạo Ukraine nhận định Nga sẵn sàng đưa ra nhiều cam kết để ngăn nước láng giềng gia nhập NATO trong tương lai gần, rồi lại rút kinh nghiệm chiến trường và bất ngờ mở chiến dịch mới.
"Nếu chấp nhận đề xuất của Nga, Ukraine sẽ phải điều chỉnh hiến pháp. Chúng tôi cũng không thể ký thỏa thuận rồi thở phào. Họ sẽ tung đòn đánh mới với mức chuẩn bị tốt hơn. Ukraine chỉ có thể cân nhắc phương án này nếu biết chắc chiến sự không bao giờ tái diễn, dĩ nhiên không có gì đảm bảo được điều đó", ông nói.
Arakhamia cũng tiết lộ rằng một số đồng minh phương Tây khuyên Kiev không chấp nhận thỏa hiệp vì Moskva không đặt ra đảm bảo an ninh thực chất. Sau vòng đàm phán ở Istanbul, thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson đến thăm Kiev và vận động chính phủ Ukraine tiếp tục chiến đấu.
Dù các vòng đàm phán năm 2022 không đạt kết quả, nghị sĩ Arakhamia cho rằng phái đoàn đã "đạt được 8 trên 10 điểm" vì thuyết phục Nga ngừng tiến công thủ đô Kiev và rút khỏi phía bắc Ukraine. Chính quyền Tổng thống Zelensky sau đó tập trung vào quân sự thay vì ngoại giao trong đối sách với Nga.
Thanh Danh(Theo Ukraine Pravda, RT)