Ủy ban Nobel Na Uy quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2023 cho nhà hoạt động và nhà báo người Iran Narges Mohammadi vì "nỗ lực đấu tranh vì nữ quyền ở Iran,àhoạtđộngnữquyềnIrangiànhgiảiNobelHòabìlô đẹp hôm nay thúc đẩy nhân quyền và tự do cho tất cả mọi người", bà Berit Reiss-Andersen, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, thông báo hôm nay.
Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Tòa thị chính Oslo vào ngày 10/12, trong đó người nhận giải Nobel Hòa bình sẽ được trao huy chương, chứng nhận và giải thưởng 11 triệu krona Thụy Điển (986.000 USD). Tuy nhiên, Mohammadi nhiều khả năng sẽ không thể dự lễ trao giải, do bà đang thụ án tù hơn 10 năm ở trại giam Evin, Tehran, Iran với nhiều tội danh, trong đó có tuyên truyền phi pháp.
Mohammadi, 51 tuổi, đã đấu tranh suốt 30 năm qua để mang lại thay đổi căn bản cho Iran thông qua giáo dục và các biện pháp hòa bình khác. Bà là một trong những nhà hoạt động nhân quyền hàng đầu Iran, vận động vì quyền phụ nữ và bãi bỏ án tử hình.
Mohammadi còn là phó lãnh đạo Trung tâm Những người bảo vệ Nhân quyền, tổ chức phi chính phủ do Shirrin Ebadi, người nhận giải Nobel Hòa bình năm 2003, đứng đầu. Bà là phụ nữ thứ 19 trong lịch sử giải Nobel Hòa bình.
Theo Ủy ban Nobel Na Uy, bà Mohammadi đã bị bắt 13 lần, bị kết án 5 lần với tổng án tù 31 năm. Ngay cả khi ở trong tù, bà cũng kịch liệt lên tiếng phản đối các điều kiện giam giữ đối với những nữ phạm nhân.
Khi phong trào biểu tình "Phụ nữ, sự sống, tự do" bùng phát ở Iran sau cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi, cô gái người Kurd bị lực lượng "cảnh sát đạo đức" bắt ở thủ đô Tehran với cáo buộc đội khăn trùm đầu không đúng quy định, bà đã ủng hộ mạnh mẽ từ trong nhà tù.
Theo bài đăng trên tài khoản mạng xã hội của bà, Mohammadi đã tổ chức cuộc biểu tình đốt khăn trùm đầu từ bên trong nhà tù Evin vào ngày giỗ Amini. Bà cũng tổ chức các hội thảo hàng tuần trong tù cho nữ phạm nhân, dạy họ về quyền lợi của mình.
"Nếu giới chức Iran quyết định đúng, họ sẽ thả Mohammadi để bà có thể đón nhận giải thưởng này. Đây là điều chúng tôi hy vọng", bà Reiss-Anderson cho biết sau khi thông báo về giải Nobel Hòa bình.
Elizabeth Throssell, người phát ngôn Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR), nói giải Nobel Hòa bình trao cho Mohammadi "đã làm nổi bật sự dũng cảm, quyết tâm của phụ nữ Iran và cách họ truyền cảm hứng cho thế giới".
Gia đình Mohammadi mô tả đây là "khoảnh khắc lịch sử cho cuộc chiến vì tự do của Iran".
Nobel Hòa bình được lựa chọn bởi một ủy ban gồm 5 người do quốc hội Na Uy lựa chọn. Theo di chúc của nhà sáng lập Nobel, giải được trao cho cá nhân, tổ chức "có đóng góp to lớn để thúc đẩy sự đoàn kết giữa các quốc gia, cắt giảm hoặc giải trừ lực lượng vũ trang thường trực, tổ chức và xúc tiến các hội nghị hòa bình".
Giải Nobel Hòa bình năm nay có 351 ứng viên, gồm 259 cá nhân và 92 tổ chức. Đây là năm có số lượng ứng viên cao thứ hai lịch sử giải, và là năm thứ 8 liên tiếp số ứng viên vượt 300. Kỷ lục hiện tại là năm 2016 với 376 ứng viên. Danh sách đề cử được giữ bí mật trong 50 năm, nhưng người hoặc tổ chức đề cử được phép tiết lộ ứng viên của họ.
Nobel Hòa bình luôn được xem xét kỹ lưỡng bởi thông điệp mà giải có thể gửi đến thế giới. Năm 2022, giải thuộc về nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski tại Belarus, tổ chức nhân quyền Memorial ở Nga và Trung tâm Tự do Dân sự có trụ sở tại Ukraine.
Nobel Hòa bình năm 2021 được trao cho Maria Ressa và Dmitry Muratov, hai nhà báo người Philippines và Nga, vì "nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận". Năm 2020, giải được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vì những nỗ lực chống nạn đói và đóng góp cho hòa bình thế giới.
Như Tâm(Theo AFP, Reuters)