Từ khi còn là một cậu nhóc ở H.Cái Bè (Tiền Giang),ỏatrênmạngxãhộiChàngtraitrượtpatinxuyênquốdự báo thời tiết nam định Nguyễn Hoàng Phương (29 tuổi) đã mê patin. Nơi Phương sống không có lớp dạy chuyên nghiệp hay CLB chơi môn này nên anh tự học trên mạng.
Phượt không giống ai
Sau khi lên TP.HCM làm đầu bếp, Phương bắt đầu tham gia các hội nhóm patin để cùng luyện tập, nâng cao các kỹ năng. Thấy nhiều người từng phượt xuyên Việt bằng xe máy, xe đạp thậm chí đi bộ, Phương ấp ủ kế hoạch phượt bằng patin "không giống ai" của mình.
Tháng 3 năm ngoái, anh trượt patin từ Cà Mau ra Sa Pa trong gần 1 tháng. Hành trình thành công là động lực để anh lên kế hoạch phượt xuyên quốc gia từ Hà Tĩnh sang Lào, Thái Lan, Campuchia rồi về lại TP.HCM. Chuyến đi dự tính kéo dài hơn 1 tháng, với khoảng 2.000 km.
6 tháng trước chuyến đi, mỗi ngày, Phương trượt patin hàng chục cây số với ba lô nặng gần 20 kg trên vai để rèn thể lực. Ngày 29.9 vừa qua, Phương xuất phát ở cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh trượt patin sang Lào. Sau 1 tuần, Phương mới vượt qua chặng đường hơn 300 km để có mặt tại ranh giới giữa Lào và Thái Lan. Đến đêm 13.10, Phương đi thêm được hơn 300 km nữa. Hiện tại, anh đang dừng chân ở tỉnh Surin, Thái Lan.
Dù kỹ năng trượt patin có điêu luyện đến đâu, Phương cũng phải dè chừng khi đi qua những đoạn đường nhiều đất đá, ổ gà. "Trượt patin trên đất bằng thì quá dễ dàng. Nhưng đi phượt bằng patin thì phải đi qua nhiều địa hình khác nhau. Đây là điều khó khăn nhất trên hành trình của mình. Chưa kể khi đi qua nhiều đoạn đường hẹp, đông xe cộ thì càng cần phải quan sát kỹ để tránh gây tai nạn", chàng trai nói.
Ngày đi, thời tiết VN ủng hộ Phương nhưng ngay khi vừa đặt chân sang nước bạn Lào, những cơn mưa lớn thường xuyên ập xuống thử thách chàng trai. Tuy có thể trượt trong mưa nhưng khi đi qua những đoạn đường đất bùn lầy, đôi giày patin trở nên vô dụng. Anh phải tháo ra, đi bộ một quãng xa, hành trình vì thế cũng chậm hơn so với dự kiến.
Những trải nghiệm "có tiền không mua được"
Khác với các phương tiện khác, patin không có phanh nên muốn dừng lại đòi hỏi người đi phải sử dụng kỹ năng. Chưa kể, để giữ thăng bằng, đứng vững trên mặt đường trơn trượt hay dốc cao cũng rất khó. Vì thế, những hôm gặp mưa, Phương phải di chuyển chậm, cẩn thận tối đa để tránh gặp sự cố.
Có hôm, khi đang di chuyển trên đoạn đường đèo ở Lào thì có đá lở. Vì không kịp xử lý tình huống nên Phương bị trượt chân. Đêm về, cổ chân anh sưng đau. Sáng sớm hôm sau, anh phải ghé trạm y tế khám và uống giảm đau thì mới có thể tiếp tục hành trình. "Có lúc thấy đường xấu, thời tiết không ủng hộ, mình đã nghĩ đến chuyện trở về. Nhưng nghĩ đến những khó khăn trong chuyến xuyên Việt năm ngoái đều đã vượt qua nên có động lực để đi tiếp", Phương nói.
Tuy mới đi khoảng 1/3 chặng đường, nhưng Phương đã có vô vàn cảm xúc dù "có tiền cũng không mua được". "Mọi thứ đều có giá của nó. Nếu không đi, mình đâu biết là mình có thể làm được". Chưa kể, đây cũng là lần đầu tiên Phương được ra nước ngoài. Cảm giác làm một vị khách du lịch gọi món ăn Lào hay di chuyển bên trái đường ở Thái Lan là những trải nghiệm lần đầu khó quên.
Ngoài đồ dùng cá nhân, Phương còn mang thêm bếp gas, nồi nhỏ, nước... để có thể nấu ăn cùng 2 đôi giày và 16 bánh xe patin, trong đó có một bộ bánh chuyên trượt đường khó. Mỗi ngày, Phương di chuyển từ 30 - 60 km tùy thời tiết và địa hình. Hôm nào Phương cũng canh quãng đường đi, đến khách sạn trước khi trời tối để ngủ lại.
Anh Đỗ Văn Hóa, CEO Công ty TNHH Thể thao đường phố, chia sẻ tình cờ biết Phương, thấy anh có đam mê nên đã chủ động tặng Phương món quà là bộ vòng bi trượt cùng đôi giày của công ty để tiếp sức. "Dù kinh doanh các sản phẩm giày trượt patin nhiều năm nhưng tôi chưa từng thấy ai phượt xuyên Việt và qua các quốc gia bằng patin như Phương. Phương đã thể hiện tinh thần vượt lên chính mình, lan tỏa tinh thần yêu thể thao đến với mọi người", anh Hóa cho biết.