Báo Mỹ Politico ngày 4/10 dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao am hiểu vấn đề cho biết cuộc họp bí mật diễn ra ngày 17/9 tại Istanbul,ỹNgacóthểtừngbímậtđàmphánvềkhoa học máy tính Thổ Nhĩ Kỳ như một phần trong nỗ lực gây áp lực buộc Azerbaijan chấm dứt lệnh phong tỏa kéo dài 9 tháng đối với Nagorno-Karabakh và cho phép các đoàn xe viện trợ nhân đạo từ Armenia vào khu vực này.
"Cuộc họp cũng tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu có thể đến tay khoảng 100.000 cư dân ở vùng ly khai", nhà ngoại giao nói.
Đại diện phía Mỹ là Louis Bono, cố vấn cấp cao của Washington về các cuộc đàm phán ở vùng Kavkaz, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cử Toivo Klaar, đại diện của khối phụ trách khu vực Nagorno-Karabakh. Igor Khovaev, đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin về quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan, tham gia cuộc họp.
Cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao như vậy giữa phương Tây và Nga là rất hiếm hoi kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra. Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gặp mặt trực tiếp bên lề hội nghị G20 ở Ấn Độ, nhưng Moskva khẳng định hai quan chức vừa đi vừa trao đổi và không có cuộc đàm phán nào diễn ra.
"Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là phải duy trì các kênh liên lạc với những người đối thoại có liên quan để tránh hiểu lầm", một quan chức EU nói, thêm rằng Klaar đã tìm cách duy trì quan hệ cởi mở với Nga trong "những năm qua", bao gồm cả các cuộc đàm phán với Khovaev và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về cuộc gặp với lý do đó là "những cuộc thảo luận ngoại giao riêng tư". EU và Nga cũng chưa phản hồi thông tin này.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ giấu tên am hiểu vấn đề giải thích rằng cuộc họp xuất phát từ đánh giá rằng Điện Kremlin vẫn duy trì ảnh hưởng trong khu vực Kavkaz.
Tuy nhiên, hai ngày sau cuộc họp, quân đội Azerbaijan mở cuộc tấn công chớp nhoáng vào Nagorno-Karabakh, buộc chính quyền ly khai thân Armenia ở đây đầu hàng sau 24 giờ giao tranh ác liệt khiến hàng trăm người của cả hai bên thiệt mạng.
Nga, bên triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh, đã không có bất cứ hành động can thiệp nào. Giới quan sát cho rằng việc Armenia thể hiện lập trường ngả về phương Tây gần đây là một trong những lý do khiến Nga "án binh bất động".
Chính phủ Armenia cho biết sau khi Azerbaijan kiểm soát Nagorno-Karabakh, hơn 100.000 người ở vùng ly khai đã rời bỏ nhà cửa và xin tị nạn ở nước này.
Azerbaijan khẳng định họ có quyền hành động chống lại "các nhóm vũ trang bất hợp pháp" trên lãnh thổ được quốc tế công nhận của mình và cam kết sẽ "tái hòa nhập" những người ở lại.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel mô tả chiến dịch quân sự này là "có sức tàn phá lớn", trong khi ông Blinken kêu gọi Azerbaijan "kiềm chế các hành động thù địch tiếp theo ở Nagorno-Karabakh và đảm bảo khả năng tiếp cận nhân đạo không bị cản trở".
Nagorno-Karabak đã trở thành điểm nóng xung đột suốt ba thập kỷ qua giữa Armenia và Azerbaijan. Khu vực này tách khỏi Azerbaijan kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát sau cuộc chiến đầu thập niên 1990. Hai bên nhiều lần đụng độ sau đó, đỉnh điểm là cuộc chiến năm 2020, giúp Azerbaijan giành lại một phần lãnh thổ.
Với chiến dịch quân sự của Azerbaijan, chính quyền ly khai ở Nagorno-Karabakh tuyên bố giải tán các tổ chức và sẽ chính thức chấm dứt tồn tại từ ngày 1/1/2024.
Huyền Lê(Theo Politico)