Đầu tháng 7,ữđôngtinhtrùngđểđiềutrịungthưtiếng anh 11 sách mới Quân (26 tuổi) đi khám do tinh hoàn bên phải sưng to. Bác sĩ nghi ngờ anh bị ung thư tế bào mầm tinh hoàn, có thể điều trị khỏi bằng cách phẫu thuật, kết hợp hóa trị nếu cần. Tuy nhiên, những phương pháp này khiến Quân nguy cơ khó có con do số lượng và chất lượng tinh trùng giảm sút nhiều. Được bác sĩ tư vấn, anh quyết định đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trữ tinh trùng.
Theo BS.CKII Trần Thị Thiên Hương, khoa Ung bướu, tinh hoàn là cơ quan sản xuất ra tinh trùng, duy trì khả năng sinh sản của nam giới. Bướu tế bào mầm chiếm tỷ lệ 95% trường hợp ung thư tinh hoàn.
Bướu gây tổn thương nhu mô tinh hoàn cũng như thay thế mô tinh hoàn bình thường, do đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới. Theo các nghiên cứu, hơn một nửa số nam giới bị bệnh có biểu hiện suy giảm nồng độ và số lượng tinh trùng trước khi điều trị. Các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị có thể làm suy yếu thêm quá trình sinh tinh, góp phần gây vô sinh.
"Trữ tinh trùng là phương pháp duy nhất giúp bảo tồn khả năng sinh sản nam giới mắc ung thư tinh hoàn", ThS.BS Lê Đăng Khoa, Trưởng Đơn vị Nam học, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, cho biết.
Bác sĩ Khoa và ê kíp tiến hành vi phẫu micro-TESE tìm tinh trùng để trữ đông cho anh Quân. Cuộc phẫu thuật gặp khó khăn bởi sau khi phát hiện bệnh, tâm lý của bệnh nhân không tốt khiến khả năng sinh tinh suy giảm, số lượng tinh trùng tìm thấy ít. Bên cạnh đó, khối u ở tinh hoàn phải sưng to khoảng 10 cm khiến các mô xung quanh bị chèn ép nhiều.
Với sự hỗ trợ của hệ thống kính vi phẫu phóng đại gấp 30 lần, ê kíp mở tinh hoàn trái, cắt những ống sinh tinh tiềm năng chuyển vào phòng lab bên cạnh để các chuyên viên phôi học soi tìm tinh trùng. Dưới kính hiển vi có độ phóng đại 200 lần, chuyên viên phôi học đã tìm được tinh trùng đảm bảo về số lượng và chất lượng. Toàn bộ số tinh binh được bảo tồn bằng kỹ thuật trữ tinh trùng số lượng ít, giúp Quân có thể thực hiện khoảng hai chu kỳ thụ tinh ống nghiệm để có con trong tương lai.
Có "vốn liếng" để dành, Quân bước vào liệu trình điều trị ung thư. Anh được phẫu thuật cắt khối u, kết quả giải phẫu bệnh xác nhận ung thư tế bào mầm tinh hoàn, phải hóa trị phòng ngừa di căn. Hiện anh hồi phục tốt cả thể trạng và tâm lý.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ung thư tinh hoàn chỉ chiếm 1% các loại ung thư ở nam giới, tuy nhiên tỷ lệ mắc ngày càng gia tăng ở Mỹ và nhiều nước khác trong những thập kỷ qua. Cứ 250 nam giới thì có một người mắc bệnh, phần lớn ở người trẻ và trung niên, khoảng 6% trẻ em và 8% trên 55 tuổi. Độ tuổi trung bình mắc bệnh là 33.
Hiện nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định, nhưng trẻ sinh ra có tinh hoàn ẩn hoặc lạc chỗ (tinh hoàn nằm ở bẹn, bụng...) tăng nguy cơ ung thư do nhiệt độ ở các bộ phận khác cao hơn nhiệt độ ở bìu khiến tinh hoàn dễ bị tổn thương, tăng các đột biến. Những yếu tố nguy cơ khác gồm tiền sử gia đình có người bị ung thư tinh hoàn, tinh hoàn bất thường, đột biến di truyền...
Theo bác sĩ Khoa, với tiến bộ của y học, tỷ lệ sống sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư tinh hoàn là trên 90%. Tuy nhiên, người bệnh phải chịu nhiều tác động sau điều trị, đặc biệt là giảm khả năng sinh sản. Kỹ thuật trữ tinh trùng bảo tồn khả năng sinh sản đã được sử dụng tại nhiều nước cho nam giới gặp các vấn đề về sinh sản nói chung, người mắc ung thư tinh hoàn nói riêng.
Tại Việt Nam, nam giới ngày càng quan tâm đến sức khỏe sinh sản, bảo tồn tinh trùng trong những trường hợp cần thiết. Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ghi nhận trong năm 2022, tỷ lệ trữ tinh trùng tăng 50% so với năm 2021, trong đó nhiều nam giới trẻ bảo tồn khả năng sinh sản trước khi điều trị các bệnh lý liên quan tinh hoàn, điều trị nội tiết trước khi chuyển giới, hóa xạ trị ung thư, sau khi mắc bệnh quai bị... hay làm việc trong môi trường nguy cơ cao (nhiễm xạ, hóa chất, sóng cao tần...)
Tinh binh được đông lạnh nhanh bằng kỹ thuật thủy tinh hóa, đặt vào môi trường có chất bảo vệ lạnh, tiếp xúc trực tiếp với nitơ lỏng ở -196 độ C để bảo tồn chức năng và sự trao đổi chất của tế bào. Thời gian lưu trữ không giới hạn. Như trường hợp của Quân, sau 30 tuổi hay thậm chí lâu hơn, anh có thể rã đông tinh trùng và có con nhờ thụ tinh ống nghiệm.
Thạc sĩ Khoa khuyến cáo nam giới nên lưu ý mọi thay đổi ở cơ quan sinh sản. Khi có những bất thường như xuất hiện khối u, cảm giác nặng nề ở bìu, thay đổi về màu sắc, đau âm ỉ ở bụng dưới hoặc bẹn... nên đến bệnh viện có chuyên khoa về Nam học, Hỗ trợ sinh sản để được khám, chẩn đoán, điều trị sớm. Bảo tồn khả năng sinh sản kịp thời giúp giảm nguy cơ xin tinh trùng hoặc con nuôi trong tương lai.
Hoài Thương
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |