Quê tôi ở huyện Di Linh,ườitrồngcàphêquêtôichuộngloạiphatrộchúc thi tốt tỉnh Lâm Đồng - là vùng chuyên canh cây cà phê Robusta. Huyện có 44.802 ha trồng cà phê, chiếm tỷ lệ 65% diện tích đất nông nghiệp của địa phương. Hầu như nhà nào cũng trồng cà phê, ít nhất cũng từ 1 ha trở lên, nhiều nhà có 20-30 ha, sản lượng cà phê nhân niên vụ 2020-2021 của huyện đạt 143.328 tấn. Sản lượng cà phê nhân Robusta của huyện Di Linh nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung đóng góp tỷ lệ không nhỏ trong tổng số lượng cà phê nhân Robusta của nước ta xuất khẩu hàng năm.
Nhà nào cũng có kinh nghiệm trồng cà phê lâu năm, mọi người chia sẻ với nhau về cách thức bón phân, làm cỏ, bẻ chồi, cắt cành, hái, phơi, xay thế nào để tiết kiệm nhân công, tăng năng suất cà phê. Thế nhưng, có một điều rất lạ là ai cũng bán cà phê nhân cho công ty và mua cà phê hòa tan hoặc tại bất kỳ quán nào về uống, vì nó tiện. Nếu hỏi bất chợt 10 người ở quê tôi thì chưa chắc đã có một người phân biệt chính xác được cà phê nguyên chất và loại có pha trộn.
Thực tế, người dân ở vùng trồng bất cứ loại trái cây, rau củ nào thường rất sành khi lựa chọn loại trái cây, rau củ đó sao cho ngon nhất để thưởng thức. Riêng đối với cà phê lại khác. Tại sao hầu hết người dân ở vùng sản xuất nguồn nguyên liệu chế biến ra loại thức uống được yêu thích hàng đầu thế giới lại không sành cảm nhận hương vị đặc trưng của cà phê? Khoảng cách từ hạt cà phê nhân đến ly cà phê chỉ còn qua hai bước rang xay và pha chế có là quá xa? Phải chăng việc quá "dễ tính", thưởng thức cà phê chưa đúng "gu" của người dân quê tôi đang gián tiếp làm giảm đi chất lượng, giá trị thực chất hạt cà phê của nước ta trên thế giới?
Sau vụ việc cà phê pha pin gây xôn xao dư luận trước đây, đến nay, lâu lâu truyền thông lại đưa tin mới phát hiện ra một cơ sở chế biến cà phê pha hóa chất độc hại. Điều này chứng tỏ cà phê pha trộn vẫn có đất sống, vẫn lén lút hoạt động để làm hài lòng khẩu vị dễ dãi của một bộ phận khách hàng. Sự thật là những ai đã quen uống cà phê pha trộn, khi lần đầu uống cà phê nguyên chất sẽ cảm thấy rất nhạt nhẽo, khó thích nghi.
Hiện nay, nhiều nông dân đã chuyển hướng sang canh tác cà phê hữu cơ, học các lớp sơ chế cà phê sau thu hoạch, rang xay, pha chế và mở tiệm. Ở quê tôi, nhiều quán cà phê như thế vẫn hoạt động cầm chừng, chịu lỗ, thậm chí đóng cửa mặc dù đã đưa ra mức giá rất bình dân cho một ly cà phê chất lượng cao. Trong khi các quán lâu năm không rõ nguồn gốc, chất lượng cà phê, vẫn hoạt động ổn định do giữ chân được lượng khách hàng hợp khẩu vị. Nỗi niềm về một thị trường cà phê chất lượng cao ở Việt Nam vẫn tiếp tục bỏ ngỏ do việc thay đổi khẩu vị và tư duy của khách hàng Việt còn là một chặng đường dài phía trước.
>> Cà phê sập tiệm vì khách ngồi hàng giờ nhưng chỉ gọi ly 25.000 đồng
Mới đây, một cuộc thi đấu giá cà phê đặc sản đã được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Là nước xuất khẩu cà phê nhân Robusta lớn nhất thế giới, thế nhưng cuộc thi này chỉ thu hút được 47 đơn vị đến từ bảy tỉnh trồng cà phê trên cả nước tham gia. Con số khiêm tốn này cho thấy tư duy về sản xuất cà phê chất lượng cao chưa được lan tỏa sâu rộng trong người dân. Đa số nông dân sản xuất ra nguồn nguyên liệu và bán cho công ty, họ dùng tiền mua về ly cà phê thuận tiện để uống, còn chất lượng và hương vị do người bán quyết định.
Giá cà phê nhân Robusta trên thị trường đang dao động ở mức trên 60.000 đồng/kg, tuy nhiên tại phiên đấu giá, các mẫu dự thi đã được chấm điểm đạt cà phê đặc sản được các nhà rang xay cà phê trả giá gấp 7-8 lần. Mẫu cà phê nhân Robusta được trả giá cao nhất lên đến 420.000 đồng/kg. Thành công của cuộc thi là sự ghi nhận, trân trọng giá trị đích thực của hạt cà phê, những giọt mồ hôi của nhà nông - những người dám thay đổi và tâm huyết với cây cà phê, đồng thời đã mở ra những triển vọng mới cho ngành cà phê Việt Nam.
Cần làm gì để người nông dân, người tiêu dùng - trước tiên là những người đã am hiểu về cây cà phê - thôi thờ ơ với việc thay đổi tư duy, khẩu vị, chịu "nâng cấp" độ cảm nhận, thưởng thức cà phê sao cho đúng "gu" ; để họ mạnh dạn bước ra khỏi lũy tre làng, tham gia vào các sân chơi để hiểu rõ, nâng cao giá trị đích thực của hạt cà phê nhân mình đang sở hữu?
Theo tôi, nhà nước cần đồng hành, hỗ trợ cùng người nông dân về vốn, phương thức sản xuất, sơ chế, tiêu thụ và tham gia các cuộc thi để lan tỏa giá trị của cà phê đặc sản Việt Nam; để người nông dân thay đổi tư duy canh tác, sơ chế nhằm nâng cao giá trị nông sản Việt trên thị trường thế giới; để nhà rang trả giá đúng cho hạt cà phê chất lượng cao. Và hơn hết, để chính người nông dân cảm nhận được vị ngon của ly cà phê chất lượng cao từ nguồn nguyên liệu do chính mình sản xuất ra; để những người nông dân bám trụ với cây cà phê bao năm nay yên tâm, vững tin với sự lựa chọn của mình. Như thế, liệu thị trường cà phê kém chất lượng có còn đất sống và chúng ta ai cũng có thể trở thành những người có "gu" thưởng thức cà phê.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.